Xử án hành chính: Tòa dè dặt trước UBND

Xử án hành chính: Tòa dè dặt trước UBND
Tới tham gia phiên tòa hành chính, một phó chủ tịch tỉnh yêu cầu hội đồng xét xử… bố trí chỗ ngồi tương xứng với chức danh của mình.

Tới tham gia phiên tòa hành chính, một phó chủ tịch tỉnh yêu cầu hội đồng xét xử… bố trí chỗ ngồi tương xứng với chức danh của mình.

Tại hội nghị tổng kết ngành tòa án TP.HCM mới đây, không ít thẩm phán than án hành chính “đụng chạm” nhiều nên họ chịu không ít áp lực. Những chuyện “hậu trường xét xử” mà nhiều thẩm phán kể lại đã cho thấy các khó khăn mà tòa gặp phải khi phía bị kiện là UBND...

Mới đây, TAND một quận tại TP.HCM thụ lý gần chục vụ kiện hành chính của người dân đối với các quyết định giải tỏa, đền bù đất đai của UBND quận. Trong quá trình giải quyết các vụ kiện, thay vì triệu tập đại diện UBND quận đến tòa làm việc, các thẩm phán của tòa lại phải… xách cặp qua ủy ban họp theo triệu tập của ủy ban.

Thẩm phán chịu nhiều áp lực

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM “thở dài” khi nhắc lại những lời phiền trách của một lãnh đạo chính quyền địa phương rằng tại sao “dám” ghi giấy triệu tập đích thân chủ tịch UBND lên làm việc. Khổ một nỗi, theo luật người bị kiện trong vụ án không ai khác là vị chủ tịch này, tòa không ghi triệu tập ông thì triệu tập ai?

Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao kể có trường hợp đại diện bên bị kiện là phó chủ tịch một tỉnh. Tới tham gia phiên tòa, vị này yêu cầu hội đồng xét xử… bố trí chỗ ngồi tương xứng với chức danh của mình. Chủ tọa phải cứng rắn giải thích là khi tham gia tố tụng, các bên đều bình đẳng. Với tư cách người bị kiện, ông không thể đòi hỏi “chỗ ngồi cao hơn” được.

Nhiều thẩm phán Tòa Hành chính TAND TP.HCM cũng thường than xử án hành chính đã phức tạp về mặt nghiệp vụ lại còn gặp khó trong ứng xử giao tiếp, áp lực từ nhiều phía. Đôi khi muốn hủy, sửa một bản án là chuyện không hề đơn giản.

Về mặt tố tụng, không ít lần các tòa khốn khổ với người bị kiện. Nhiều lần gửi giấy triệu tập, “vui” thì UBND cử đại diện, không thì thôi. Vụ án kéo dài không biết chừng nào mới xử được. Dù luật quy định có thể xử vắng mặt nhưng thực tế, nếu chưa có đại diện UBND tham gia tố tụng, tòa không thể giải quyết án.

Chưa kể, tòa thường gặp sự bất hợp tác từ phía bị kiện. Trong khi người dân kiện ra tòa rất công phu, thuê luật sư bảo vệ, đưa ra nhiều chứng cứ tranh luận thì đáp lại, phía cơ quan chính quyền thường chỉ trả lời đơn giản là “hồ sơ đã rõ” và bảo lưu quan điểm...

Ảnh hưởng chất lượng xét xử?

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét sở dĩ thẩm phán chịu nhiều áp lực trước bên bị kiện là do có sự lệ thuộc về tổ chức. Thẩm phán phán xét quyết định, hành vi hành chính của chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, trong khi chính người bị kiện lại là người có ý kiến chấp nhận thẩm phán có đủ điều kiện bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hay không.

Rõ ràng, chính sự lệ thuộc về tổ chức như trên đã dẫn đến một tâm lý dè dặt cho các thẩm phán. Hệ quả là có những thẩm phán thấy quyết định hành chính sai nhưng không dám hủy, dẫn đến việc tỉ lệ án hành chính bị cấp trên hủy, sửa nhiều.

Thẩm phán Hùng cho rằng thực tiễn ấy đòi hỏi thẩm phán xử án hành chính phải có bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ và phải có kỹ năng về giao tiếp, thuyết phục, ứng xử, giải quyết tình huống… Thời gian trước mắt, cá nhân ông đề cao việc giải quyết án hành chính theo hướng cho bên khởi kiện và bên bị kiện đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án. Đây là phương án tốt, vừa đảm bảo quyền lợi các bên, tạo không khí hòa thuận, thu hẹp phạm vi tranh chấp. Về lâu dài, việc cải cách tư pháp cần phải tiếp tục tiến hành để gỡ bỏ việc lệ thuộc của tòa án về mặt địa giới hành chính. Khi không còn lệ thuộc, thẩm phán sẽ đảm bảo được tính độc lập xét xử hơn.

“Khi tham gia tố tụng hành chính, người bị kiện cần phải hiểu tòa không xử riêng cá nhân nào mà chỉ xem xét tính hợp pháp của quyết định hay hành vi hành chính mà thôi. Vì vậy, tâm lý người bị kiện không nên quá đặt nặng vấn đề thắng thua” - Thẩm phán Hùng nhấn mạnh.

Tòa có nên tham vấn cho ủy ban?

Tại hội nghị triển khai công tác ngành của TAND TP.HCM vừa qua, đại diện TAND quận 2 cho biết do lượng án hành chính tăng, phức tạp. Để khắc phục tình trạng này, tòa đã tham mưu để quận ủy lập một tổ chức tư vấn gồm tòa, công an, viện và thanh tra nhà nước làm nòng cốt giúp quận ủy và UBND trong việc ban hành các quyết định về bồi thường… Ở nhiều địa phương khác trong cả nước, tòa án cũng được UBND yêu cầu trợ giúp về tính pháp lý để ban hành các quyết định hành chính.

Cho đến nay, đây là chuyện vẫn còn đang gây tranh cãi trong ngành tòa án. Có người nói việc tham vấn trên là hữu ích. Tòa sẽ giúp UBND ban hành các quyết định đúng trình tự, thủ tục, đúng pháp luật, nhờ vậy sẽ hạn chế được số vụ kiện hành chính. Nhưng cũng có người lại bảo việc này sẽ làm mất tính khách quan của tòa trong trường hợp phải xét xử quyết định mà chính tòa đã từng tư vấn cho UBND ban hành.

Cẩn trọng trong ứng xử

Khi xử án hành chính, thẩm phán phải hết sức cẩn trọng trong cách ứng xử. Trước đây khi còn công tác tại TAND một tỉnh nọ, có lần tôi làm chủ tọa phiên xử một vụ kiện UBND mà người đại diện lại là bạn của tôi. Khi tôi vừa bước vào phòng để chuẩn bị xét xử, ông ấy chạy đến “tay bắt mặt mừng”. Tôi phải nghiêm mặt tỏ ra không quen biết và bước thẳng lên ghế dành cho HĐXX. Vì chuyện này mà ông ấy đã giận tôi cả năm trời. Nhưng tôi nghĩ mình không làm sai bởi lẽ chỉ cần tôi tỏ ra vui vẻ với ông ấy thì những người dân đi kiện sẽ nghĩ sao về hình ảnh của thẩm phán, họ có còn tin vào sự khách quan, vô tư trong xét xử nữa hay không?

Thẩm phánPHẠM CÔNG HÙNG,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Bỏ việc đại diện?

Theo tôi, trong tố tụng hành chính nên loại bỏ việc đại diện. Bởi án hành chính khác với án dân sự. Ở đây người dân đi khởi kiện UBND. Một bên là cơ quan công quyền, một bên là công dân. Người dân vẫn thường nôm na rằng “con kiến đi kiện củ khoai” để nói lên sự bị động, yếu thế của họ khi buộc lòng phải đi kiện. Vậy tại sao chủ tịch UBND khi ký các quyết định hành chính lại không ra tòa chịu trách nhiệm về việc ban hành của mình mà phải thông qua một đại diện khác? Bỏ việc đại diện, chủ tịch UBND sẽ có trách nhiệm hơn khi ra bất kỳ quyết định hành chính nào.

Kiểm sát viên cao cấpVÕ VĂN THÊM,
Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao