BẢN NĂNG VÀ PHÁP QUYỀN


 
BẢN NĂNG VÀ PHÁP QUYỀN
 
Thuật ngữ Pháp quyền ra đời ở Châu Âu từ thế kỷ 17. Nhưng nó đã manh nha từ thời Hi Lạp cổ đại. Aristotle cho rằng: Một xã hội tốt  đẹp là một xã hội được cai trị bởi luật pháp. Một chính trị gia  thời La Mã cổ đại cũng đã từng nói: Tất cả chúng ta đều là nô lệ của luật pháp để tất cả chúng ta đều được tự do.
Xã hội loài người đã trải qua các hình thái phát triển, từ giai đoạn sơ khai đến hiện đại ngày nay. Nó đã cho thấy công cụ quản lý và điều hành xã hội hữu hiệu nhất chính là Luật pháp.
Thực tế cuộc sống đã cho thấy, từ phương Tây đến phương Đông, từ xã hội tư bản đến xã hội phong kiến thì trật tự xã hội chỉ được xác lập và duy trì khi một xã hội được quản lý thực thụ bằng 1 nền pháp trị. Trong xã hội văn minh ngày nay, thực tế trên đã được minh chứng 1 cách sinh động. Nó đã cho thấy sự ưu việt và hữu hiệu của công cụ pháp luật trong quản lý xã hội.
Thượng tôn pháp luật đã trở thành bảng giá trị và cũng là khái niệm cơ bản nhất của một xã hội văn minh.
Những ngày qua, trên diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương kêu gọi chống tham nhũng đại ý: Hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào và cho thiệt hại gì cho dân cho nước. Đây có lẽ là lời kêu gọi thống thiết và đầy trách nhiệm lương tâm của vị Đại biểu Quốc hội về vấn đề chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bản năng của con người là vị kỷ, luôn muốn làm theo ý mình. Ở những giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người, bản năng đó cũng có sự thay đổi theo, nhưng bản chất cơ bản của con người là tham lam và luôn muốn làm theo ý mình thì không thay đổi.
Do vậy, mỗi hình thái xã hội đều có một lực lượng quản lý xã hội, đưa các hoạt động và hành vi của con người vào một trật tự nhất định.
Xã hội từ thuở sơ khai đã hình thành các thủ lĩnh, các tộc trưởng dẫn dắt và lãnh đạo tộc người, dần dần xã hội loài người phát triển thì Nhà nước và pháp luật ra đời. Đó là công cụ để quản lý và đưa xã hội vào một trật tự.
Giả sử, cứ cho là Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương kêu gọi trong việc chống tham nhũng bằng con mắt lương tâm là một phương cách, bởi vì trong bất kỳ một vấn đề gì cũng có những cách đặt vấn đề giải quyết khác nhau. Nhưng trong xã hội hiện nay, việc kêu gọi tiết chế tham nhũng như vậy chẳng khác nào sự bế tắc và hài hước.
Xấu hổ là một đặc tính của con người. Nhưng sự tự xấu hổ của con người sẽ không bị teo đi khi mà pháp luật và các quy ước xã hội không còn đủ sức răn đe. Trong xã hội mà luật pháp nghiêm thì ngay cả các quy ước xã hội thôi cũng đã đủ để cho con người biết tiết chế lòng tham. Bởi vì, các quy ước của xã hội không gì khác hơn là hệ quả của sự nghiêm minh của pháp luật. Giữa chúng có sự tương tác lẫn nhau trong việc hình thành sự tự giác và khuôn phép trong mỗi con người.
Tại sao người ta lại tin và nghe theo lời thâỳ bói? Là bởi vì nỗi sợ đã làm cho họ tin và nghe theo. Người ta sợ cái chết, sợ nghèo, sợ mất đi một cái gì đó của mình .... Quy ước xã hội và pháp luật là giới hạn để tiết chế bản năng con người ,để duy trì trật tự xã hội. Bản năng của con người muốn làm theo ý mình ,khi vượt qua lằn ranh đó sẽ vi phạm pháp luật và các quy ước xã hội. Sự vi phạm đó sẽ bị chế tài bởi pháp luật và sự lên án bởi các quy ước xã hội. Nếu các chế tài và lên án đó nghiêm khắc thì bản năng sẽ bị tiết chế.
Trở lại với nghị trường, nơi có sự kêu gọi thức tỉnh lương tâm để tiết chế tham nhũng của Đại biểu Quốc hội Đương. Thật lòng mà nói nó giống sự ngây thơ và bất lực. Người dân và quan chức phải tự tiết chế bản năng, phải tự gò ép mình vào một khuôn khổ, trật tự nhất định khi và chỉ khi sự trừng phạt của pháp luật trở thành nỗi sợ đối với họ.
Khi con người biết tuân thủ luật pháp (có nghĩa là khi đó pháp luật nghiêm minh) thì sự tiết chế lòng tham của con người sẽ trở thành một thái độ sống. Hơn thế nữa nó trở thành một văn hoá sống. Giống như hình ảnh một em bé 9 tuổi người Nhật trong vụ sóng thần động đất kinh hoàng đã từ chối nhận phần lương khô của người khác cho mình, mà dùng phần lương khô đó để người có trách nhiệm phân phát công bằng cho mọi người ngay trong lúc em cần nó nhất - Một bài học lớn và sống động về văn hoá sống mà không cần bất kỳ lời kêu gọi nào. Và văn hoá sống đó chỉ được kết tinh từ một xã hội thượng tôn pháp luật.
 

Tác giả bài viết: Luật Hoàng Danh