VÀI NÉT VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG BỘ LUẬT TTDS SỬA ĐỔI

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác - Điều 159 BLTTDS
VÀI NÉT VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG BỘ LUẬT TTDS SỬA ĐỔI
 
“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự (VADS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Điều 159 BLTTDS.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 168BLTTDS năm 2004 thì “thời hiệu khởi kiện đã hết” là một trong những căn cứ để Toà án trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, luật sửa đổi bổ sung BLTTDS 2011 đã huỷ bỏ căn cứ “thời hiệu khởi kiện đã hết” để trả lại đơn kiện.
Sau đây là một số phân tích:
Khoản 3, điều 159 BLTTDS sửa đổi quy định: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (VADS) được thực hiện theo quy định của pháp luật – trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện VADS thì thực hiện như sau:
a. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
b. Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện VADS là 2 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Như vậy: - Bộ luật TTDS sửa đổi không có sự thay đổi về nguyên lý làm căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện. Có nghĩa là vẫn tôn trọng các quy định của luật nội dung. Tranh chấp thuộc quan hệ pháp luật của chuyên ngành nào thì áp dụng pháp luật nội dung của chuyên ngành đó.
- Về quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Với quy định này, BLTTDS sửa đổi đã tháo gỡ được một số vướng mắc về thời hiệu khởi kiện VADS, đảm bảo được lợi ích hợp pháp chính đáng cho các chủ thể quyền trong các tranh chấp dân sự.
Ví dụ: Đối với các tranh chấp về thừa kế. Trường hợp hết thời hiệu chia thừa kế mà các đồng thừa kế không có thoả thuận về việc phân chia tài sản chung. Việc xử lý tài sản chung trong trường hợp này là rất khó. Tuy nhiên, với việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS 2011 đã tháo gỡ cho vấn đề trên. Theo đó nếu thời hiệu chia thừa kế đã hết thì các đồng thừa kế vẫn có quyền khởi kiện đòi tài sản đối với người đang quản lý tài sản chung đó.
- Về quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện nhưng pháp luật có quy định khác.
Khoản 3 Điều 159 BLTTDS sửa đổi thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý chiếm hữu.... Nhưng các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trên vẫn phải áp dụng Khoản 1 Điều 247 BLDS 2005 về chế định xác lập quyền sở hữu theo thời hạn (30 năm trở lên đối với Bát động sản, 10 năm đối với Động sản).
- Cũng tương tự như vậy, Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) không quy định về thời hiệu khởi kiện các tranh chấp về quyền SHTT. Khi giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT sẽ không thể viện dẫn Khoản 3 Điều 159 BLTTDS sửa đổi để xác định thời hiệu khởi kiện, bởi luật SHTT có quy định về thời hạn bảo hộ quyền SHTT. Thời hạn bảo hộ quyền SHTT được xác định căn cứ vào thời hạn hiệu lực của Văn bằng Bảo hộ tại Điều 93 Luật SHTT. Do vậy Toà án chỉ thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết hành vi xâm phạm xảy ra vào thời điểm còn hiệu lực của văn bằng bảo hộ hoặc đối tượng quyền Sở hữu Công nghiệp vẫn còn thời hạn được bảo hộ.
- Ngoài các trường hợp nêu trên, khi giải quyết tranh chấp mới áp dụng thời hiệu khởi kiện 2 năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Lần sửa đổi này, BLTTDS đã có quy định mới về việc xác định thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện. Đó là kể từ khi cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đây cũng là quy định nhằm bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Tác giả bài viết: Luật Hoàng Danh