Trang nhất » Tin Tức » Hôn nhân - Gia đình

Rắc rối chuyện xác định cha sau ly hôn

Thứ tư - 18/01/2012 21:27

Vừa ly hôn xong thì người vợ sinh con. Có nơi chấp nhận làm giấy khai sinh ghi tên người chồng cũ là cha cháu bé, có nơi lại lắc đầu…

Luật quy định con được sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên là con chung của vợ chồng. Nhưng thực tế ủy ban và tòa lại không thống nhất về cách xác định khiến người dân không biết phải làm sao.

Tòa chấp nhận, ủy ban nói không

Tháng 5-2008, chị V. nộp đơn đến TAND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) xin ly hôn với chồng là anh H. Sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa mở phiên xử và chấp nhận yêu cầu của chị V. Bản án này có hiệu lực vào ngày 21-9-2008. Khoảng nửa năm sau, ngày 5-2-2009, chị V. sinh một cháu trai. Khi chị đến UBND xã để làm khai sinh cho con thì xảy ra rắc rối vì ủy ban xã không chấp nhận ghi tên anh H. là cha của cháu bé trong giấy khai sinh. Theo ủy ban, chị V. sinh con sau khi đã ly hôn anh H. nên không có cơ sở để xác định anh là cha cháu bé. Nếu muốn ghi tên anh H. là cha vào giấy khai sinh cho cháu bé thì chị V. phải nộp cho ủy ban bản án hoặc quyết định của tòa án về việc xác định anh H. là cha của cháu bé. Từ đó, ủy ban mới có cơ sở ghi tên anh H. vào giấy khai sinh...

Chị V. lại chạy đến tòa nộp đơn. Tuy nhiên, tòa lại lắc đầu từ chối yêu cầu trên của chị vì không có thẩm quyền giải quyết. Tòa giải thích trong vụ việc này, cơ quan đăng ký hộ tịch phải thực hiện việc đăng ký khai sinh và ghi tên chồng cũ của chị là cha của cháu bé. Bởi theo luật, bé sinh trong vòng 300 ngày khi có bản án ly hôn của tòa… thì bé đương nhiên là con của chồng cũ chị.

Đến nước này chị không biết khai sinh sao cho đứa con đương nhiên là con của chị với chồng cũ mà luật đã quy định.

Ủy ban bảo được, tòa lắc đầu

Còn chị L. ly hôn với anh T. vào tháng 5-2007. Sáu tháng sau, ngày 15-11, chị L. sinh thêm một bé gái. Làm giấy khai sinh, chị ghi anh T. là cha cháu bé. Sau đó do hoàn cảnh khó khăn, thấy mức tiền cấp dưỡng nuôi con của chồng cũ không còn phù hợp nên chị L. yêu cầu anh T. tăng mức đóng góp cấp dưỡng nuôi đứa con trai đầu của anh chị. Đồng thời, chị cũng yêu cầu anh góp thêm tiền để nuôi cả đứa con gái sinh sau. Tuy nhiên, anh T. không chấp nhận.

Tháng 10-2009, chị L. làm đơn yêu cầu TAND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) buộc anh T. phải cấp dưỡng nuôi con gái sau. Khi xem xét hồ sơ, tòa nhận thấy chị L. sinh con gái sau khi đã ly hôn nên để có cơ sở buộc anh T. cấp dưỡng nuôi con thì chị L. phải làm đơn yêu cầu tòa án xác định anh T. là cha của cháu bé trước. Sau đó chị mới có quyền khởi kiện giải quyết việc buộc anh T. đóng góp cấp dưỡng...

Khổ cho người dân

Một thẩm phán TAND tỉnh Quảng Bình cho biết sở dĩ có những trường hợp như trên là do nhận thức và xử lý trái ngược nhau giữa tòa và ủy ban. Trong vụ thứ nhất, ủy ban còn dè dặt, không dám ghi tên anh H. vào giấy khai sinh của con mà phải chờ sự xác định của tòa án. Trong khi đó thì tòa án lại khẳng định là không cần thiết. Ngược lại, ở trường hợp thứ hai, trong khi ủy ban đã xác định anh T. là cha của bé gái bằng việc cho đăng ký khai sinh nhưng tòa án lại ngần ngại, buộc đương sự phải yêu cầu tòa xác định cha cho con.

Theo thẩm phán này, cả hai trường hợp người con đều sinh ra sau thời kỳ hôn nhân nhưng người vợ đã có thai trong thời kỳ hôn nhân nên đương nhiên được xác định là con chung của vợ chồng. Cụ thể Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Và Điều 21 Nghị định 70/2001 của Chính phủ cũng quy định con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật thì được xác định là con chung của hai người. Hai trường hợp trên, người vợ đều sinh con trong thời gian luật định.

Ở trường hợp thứ hai, nếu anh T. không thừa nhận đứa con sau là của mình thì anh phải là người nộp đơn đến tòa án yêu cầu tòa xác định và có nghĩa vụ cung cấp chứng minh điều mình nói chứ không phải là chị L. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thì tòa án nhiều nơi vẫn yêu cầu đương sự phải tiến hành thủ tục qua tòa xác nhận cha cho con trong trường hợp đương nhiên là con chung rồi mới giải quyết một số yêu cầu khác.

Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.

Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định.

Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình

Hiểu trái ngược là không đúng

Không cần thiết phải yêu cầu xác định cha cho con trong trường hợp thứ hai như tòa yêu cầu chị L. Bởi là giấy khai sinh của cháu bé đã là chứng cứ, tình tiết không cần chứng minh theo quy định của BLTTDS. Giấy khai sinh đã xác nhận anh H. là cha của cháu gái sau thì đâu cần thiết buộc chị L. phải yêu cầu xác định cha cho con rồi mới đòi cấp dưỡng.

Luật đã quy định cụ thể, ủy ban và tòa cứ vận dụng, áp dụng sao lại hiểu trái ngược nhau, đùn đẩy làm khó cho dân.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

 

Cần sự hướng dẫn về việc đi biệt tích

Ngoài việc xác định cha đương nhiên cho con trên thì hiện có rất nhiều trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, một trong hai bỏ đi biệt tích. Vợ hay chồng ở nhà sau một thời gian dài chờ đợi đã yêu cầu xin ly hôn. Trong những vụ án ly hôn này, người đang nuôi dưỡng con thường yêu cầu người đã bỏ đi trở về phải cấp dưỡng nuôi con hoặc khấu trừ tài sản chung của người biệt tích để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con tính từ thời điểm người đó bỏ đi. Có tòa thì chấp nhận yêu cầu buộc cấp dưỡng từ khi người bỏ đi biệt tích không thực hiện việc nuôi dưỡng. Có tòa chỉ chấp nhận buộc bên không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng từ khi bản án ly hôn có hiệu lực. Vì thế cần thiết có hướng dẫn để vận dụng thống nhất khi giải quyết án.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
 

Khu vực thành viên


Thống kê truy cập


Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 3251

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 141439

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3001382