» Tin Tức » Hôn nhân - Gia đình » Tin tức - Sự kiện
Ủy quyền về tài sản trong án ly hôn?
Thứ tư - 18/01/2012 21:25Luật quy định đối với “việc ly hôn” đương sự không được ủy quyền cho người khác nhưng “việc ly hôn” là gì thì lại đang có nhiều cách hiểu khác nhau.
Khi ly hôn, đương sự có được ủy quyền cho người khác thay mình tham gia phiên tòa phúc thẩm nếu hai bên chỉ còn tranh chấp về phần tài sản chung hay không? Luật quy định chưa rõ nên tòa lúng túng, các chuyên gia thì mỗi người một ý...
Năm 1995, anh NCH đăng ký kết hôn với chị HCU. Sau đó, hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Xung đột lên đến đỉnh điểm vào năm 2004 khi anh H. cho rằng đứa con thứ hai không phải là con mình. Do không thể hàn gắn, tháng 4-2008, chị U. đã nộp đơn ra TAND một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai để yêu cầu tòa chấp thuận cho mình ly hôn với anh H.
Định ủy quyền về phần tài sản
Tháng 3-2010, TAND huyện này xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị U., giao hai con cho chị U. nuôi dưỡng. Về phần tài sản, tòa giao quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho chị U. nhưng chị U. phải có nghĩa vụ thanh toán cho anh H. số tiền bằng phần giá trị tương đương với phần của anh H.
Không đồng ý, anh H. kháng cáo về phần nuôi con và phần tài sản. Sau khi TAND tỉnh Đồng Nai thụ lý, làm việc với tòa, anh H. đã thay đổi yêu cầu kháng cáo. Anh không kháng cáo phần con chung nữa mà chỉ kháng cáo yêu cầu TAND tỉnh Đồng Nai xem xét phần chia tài sản chung.
Sau đó do vụ án chưa được giải quyết dứt điểm, trong khi bản thân chuẩn bị phải xuất cảnh ra nước ngoài, chị U. đã dự định ủy quyền cho người khác đại diện mình tham gia quá trình xét xử phúc thẩm.
Khi chị U. trao đổi về dự định ủy quyền này, thẩm phán thụ lý vụ án cũng băn khoăn, không biết có nên chấp thuận hay không bởi đây là một tình huống mới trong thực tiễn xét xử án hôn nhân và gia đình. Về nguyên tắc, ly hôn là quyền nhân thân, các đương sự không được ủy quyền cho người khác mà phải trực tiếp tham gia tố tụng. Tuy nhiên, ở đây các đương sự đã không còn tranh chấp về việc ly hôn hay nuôi con chung nữa mà chỉ tranh chấp về tài sản.
Luật có cho phép?
Chúng tôi đã đem tình huống trên đi hỏi một số chuyên gia pháp luật và nhận được hai luồng quan điểm khác nhau.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), chị U. có thể ủy quyền cho người khác đại diện tham gia phiên tòa phúc thẩm. Luật sư Hưng lý giải: Pháp luật chỉ không cho phép ủy quyền trong những trường hợp liên quan đến quyền nhân thân. Cụ thể, theo Điều 10 Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ, việc ủy quyền chỉ không được phép thực hiện trong trường hợp đăng ký kết hôn, yêu cầu ly hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ... Như vậy, nếu cấp phúc thẩm phải xem xét cả những tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân như yêu cầu ly hôn, quyền nuôi con thì chị U. không thể ủy quyền cho người khác được. Tuy nhiên, một khi cấp phúc thẩm chỉ phải xem xét giải quyết tranh chấp tài sản chung thì việc ủy quyền của chị U. hoàn toàn được và không làm ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa.
Ngược lại, luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) khẳng định chị U. phải tự tham gia phiên tòa phúc thẩm. Theo luật sư Dũng, trong một vụ ly hôn, đương sự thường có ba yêu cầu cụ thể để yêu cầu tòa giải quyết: yêu cầu xin được ly hôn, yêu cầu nuôi con chung và việc cấp dưỡng, yêu cầu chia tài sản chung. Khoản 3 Điều 73 BLTTDS đã quy định rất rõ: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”. Như vậy, cho dù chỉ là quan hệ tranh chấp về phần tài sản chung thì đương sự cũng không được ủy quyền cho người khác vì đây là một trong ba yêu cầu của một vụ ly hôn mà tòa đang giải quyết.
Theo luật sư Dũng, luật đã quy định như vậy thì phải tuân thủ. Tuy nhiên, về lâu dài thì nên sửa luật để tạo điều kiện cho đương sự được linh hoạt trong việc bảo vệ quyền lợi của mình khi tranh chấp tài sản chung. Bởi lẽ xét cho cùng, yêu cầu chia tài sản chung trong một vụ án ly hôn không dính dáng gì đến quyền nhân thân nên việc ủy quyền sẽ không làm ảnh hưởng đến việc xét xử.
Có thể ủy quyền
Trong một vụ án ly hôn, chỉ có yêu cầu xin ly hôn là yêu cầu bắt buộc phải do tòa xem xét, giải quyết là chấp thuận hay bác bỏ. Các vấn đề khác như quyền nuôi con và cấp dưỡng, chia tài sản chung, nếu như vợ chồng tự thỏa thuận được thì tòa không xem xét, giải quyết.
Như vậy, luật chỉ không cho phép ủy quyền trong việc ly hôn chứ không cấm ủy quyền trong các vấn đề khác. Thực tế, nếu các đương sự không đề cập đến việc chia tài sản chung trong vụ án ly hôn, sau đó mới khởi kiện bằng một vụ án khác để nhờ tòa giải quyết thì một trong các bên vẫn có thể ủy quyền cho người khác làm đại diện.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM
Được ủy quyền về phần tài sản
Do anh H. chỉ kháng cáo phần chia tài sản chung nên tòa sẽ căn cứ vào quy định của BLDS để giải quyết. Luật chỉ không cho phép ủy quyền trong trường hợp tranh chấp về quan hệ nhân thân, còn tranh chấp về tài sản thì luật không cấm. Do vậy, chị U. hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác để đại diện tham gia giải quyết trong phạm vi tranh chấp chia tài sản chung.
Luật sư CAO QUANG THUẦN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Cần hướng dẫn cụ thể
Khoản 3 Điều 73 BLTTDS quy định “việc ly hôn” là chưa rõ ràng, có thể khiến cho mọi người hiểu theo hai ý: Thứ nhất là vụ án ly hôn, thứ hai là yêu cầu ly hôn trong một vụ án ly hôn. Nếu hiểu theo ý thứ nhất thì đương sự không được ủy quyền gì cả, dù là tranh chấp tài sản chung cũng vậy. Còn nếu hiểu theo ý thứ hai thì đương sự chỉ không được ủy quyền đối với yêu cầu ly hôn mà thôi.
Tôi nghĩ những người có thẩm quyền cần xem xét điều chỉnh lại quy định này hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Một kiểm sát viên VKSND quận Bình Thạnh (TP.HCM)
Lĩnh vực hoạt động
Bài viết mới
- Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Một số hình ảnh hội nghị triển khai dự án Bảo hộ và khai thác quyền Sở hữu trí tuệ để phát triển thương hiệu Du lịch quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình
- HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI DỰ ÁN
- CÔNG TY TIE NÓI GÌ
- TRANH CHẤP THƯƠNG HIỆU
- CHƯA ĐỦ CĂN CỨ KẾT TỘI
- TRỘM BÒ CỦA CHÍNH MÌNH
- TRỘM BÒ CỦA CHÍNH MÌNH
- NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ 2015
- Đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, chỉ dẫn địa lý
Khu vực thành viên
Thống kê truy cập
Đang truy cập : 30
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 28
Hôm nay : 4302
Tháng hiện tại : 24767
Tổng lượt truy cập : 3986473