Trang nhất » Tin Tức » Hôn nhân - Gia đình

Tư vấn về trình tự và thủ tục đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài

Thứ tư - 18/01/2012 21:30
Việc kết hôn có yếu tố nước ngoài được qui định tại Điều 103 Luật Hôn nhân gia đình, theo đó việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

I. Hồ sơ đăng ký kết hôn:
Theo quy định tại mục 3 Điều 1 Nghị định 69/2006/NĐ-CP sửa đổi Điều 13 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ thì hồ sơ đăng ký kết hôn của mỗi bên phải có các giấy tờ sau đây:
  1. Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;
  2.  Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.
Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
  1.  Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
  2. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
  3. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
  • Ngoài các giấy tờ trên đây đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.
  • Đối với người trước đây có vợ hoặc có chồng nhưng đã ly hôn thì phải nộp bản sao bản án, quyết định cho ly hôn đã có hiệu lực pháp luật;  Trong trường hợp bản án, quyết định cho ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thuộc loại phải ghi chú vào sổ theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì bản án, quyết định đó phải được ghi chú trước khi nộp hồ sơ.
  • Đối với người trước đây có vợ hoặc có chồng nhưng người vợ hoặc người chồng đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết thì phải nộp bản sao Giấy chứng tử của người vợ hoặc người chồng đó.  
II. Thẩm quyền đăng ký kết hôn:
Theo quy định tại điều 102 Luật Hôn nhân gia đình; điều 3, điều 12 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn gồm:
  1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Trong trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có hộ khẩu thường trú, nhưng đã đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về hộ khẩu thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tạm trú có thời hạn của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn giữa người đó với người nước ngoài.
Trong trường hợp người nước ngoài thường trú tại Việt Nam xin kết hôn với nhau thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của một trong hai bên đương sự thực hiện đăng ký việc kết hôn. 
  1. Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước tiếp nhận nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cư trú tại nước đó.
  2. UBND cấp xã nơi khu vực vùng biên giới thực hiện đăng ký kết hôn cho công dân thường trú trong khu vực biên giới kết hôn với công dân nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới.
III. Thủ tục nộp hồ sơ:
Khoản 3 điều 13 và điều 14 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 qui định về thủ tục nộp hồ sơ xin đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, theo đó: Toàn bộ các giấy tờ nêu trên được lập thành  02 bộ hồ sơ và nộp tại  Sở Tư pháp (nơi người Việt Nam xin đăng ký kết hôn có đăng ký hộ khẩu thường trú), nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam; lập thành 01 bộ hồ sơ và nộp tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam, nếu đăng ký kết hôn tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam.  
Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai bên đương sự phải có mặt. Trong trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt và ủy quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ. Không chấp nhận việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn qua người thứ ba.
IV. Trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam
Theo qui định tại mục 4 Điều 1 Nghị định 69/2006/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và khoản 2, 3 Điều 16 Nghị định này thì trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam đượcu qui định cụ thể như sau:
"1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau.
b) Niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn của bên đương sự là công dân Việt Nam, nơi thường trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện việc niêm yết. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp. Trong thời hạn này, nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về việc kết hôn thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo cho Sở Tư pháp;
c) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp tiến hành xác minh làm rõ;
d) Báo cáo kết quả phỏng vấn các bên đương sự, thẩm tra hồ sơ kết hôn và đề xuất ý kiến giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn." 
2. Trong trường hợp xét thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan Công an thì Sở Tư pháp có công văn nêu rõ vấn đề cần xác minh, kèm theo 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn gửi cơ quan Công an cùng cấp đề nghị xác minh.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp, cơ quan Công an tiến hành xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp và hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu xét thấy các bên đương sự đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký kết hôn thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức Lễ đăng ký kết hôn, ghi vào sổ đăng ký việc kết hôn và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp từ chối đăng ký kết hôn thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thông báo cho đương sự, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
IV. Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn
Theo qui định tại  Điều 15 Nghị định 68/2002/NĐ-CP thì thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam là 30 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan Công an xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày. 
Thời hạn 30 ngày cũng được áp dụng để giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam. Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan hữu quan ở trong nước xác minh  thì thời hạn được kéo dài thêm 45 ngày. 
V.  Lễ đăng ký kết hôn tại Việt Nam
1. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà đương sự có yêu cầu khác về thời gian, nhưng không quá 90 ngày; hết thời hạn này mà đương sự mới yêu cầu tổ chức Lễ đăng ký kết hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
2. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Sở Tư pháp. Khi tổ chức Lễ đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và trao cho vợ, chồng mỗi người 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
3. Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày tổ chức Lễ đăng ký kết hôn và ghi vào sổ đăng ký. Việc cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn từ sổ gốc do Sở Tư pháp thực hiện theo yêu cầu của đương sự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
 

Khu vực thành viên


Thống kê truy cập


Đang truy cậpĐang truy cập : 30


Hôm nayHôm nay : 4353

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18134

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3780575