» Tin Tức » Dân sự - Hình sự
Vay tiền rồi đi biệt, có phạm tội?
Thứ năm - 27/05/2010 15:39Các nạn nhân đều khai rằng do thấy H. có trạm xăng nên mới cho vay, nếu không thì họ không dại gì “đâm đầu vào tường”.
Theo hồ sơ, làm việc tại một trạm xăng dầu, H. được giao nhiệm vụ thu tiền từ nhân viên trực tiếp bán hàng, theo dõi các vấn đề xảy ra trong quá trình kinh doanh để báo cáo với trạm trưởng.
Làm giả hợp đồng giao khoán
Lợi dụng công việc, H. làm giả hợp đồng giao, nhận khoán với nội dung giám đốc trạm xăng giao khoán toàn bộ việc tổ chức, điều hành và kinh doanh cây xăng cho H. Theo đó, H. có trách nhiệm đầu tư trang thiết bị cho trạm xăng...
Ngày 15-2-2004, H. đến mượn tiền, vàng của bà T., nói là để xây dựng trạm xăng. Để bà T. tin, H. đưa toàn bộ hồ sơ xây dựng trạm xăng và hợp đồng giao khoán giả cho bà T. Thấy đầy đủ giấy tờ, bà T. tin tưởng cho H. mượn 10 lượng vàng. Sau đó, H. tiếp tục mượn bà T. nhiều lần nữa, tổng cộng là 37 lượng vàng và 1,1 tỉ đồng.
Làm việc được một thời gian, H. nghỉ việc rồi bỏ địa phương đi đâu không rõ. Thấy H. có dấu hiệu trốn nợ, nhiều người đã tố giác là H. lừa đảo chiếm đoạt hơn 17,5 tỉ đồng. Các nạn nhân đều khai rằng do thấy H. có trạm xăng nên mới cho vay, nếu không thì họ không dại gì “đâm đầu vào tường”.
Tranh cãi việc xử lý
Giám đốc công ty xăng trên làm việc với cơ quan điều tra (Công an TP.HCM) khẳng định chính ông lo việc mua xăng. Tiền mua xăng là tiền của công ty… Công ty không hề ký hợp đồng giao khoán nào với H. Chữ ký trong bản hợp đồng không phải của ông.
Tuy nhiên, sau khi xem xét sự việc, cơ quan điều tra quyết định không khởi tố vụ án vì cho rằng đây là quan hệ dân sự.
Được phía điều tra báo cáo, VKSND TP.HCM đã lấy hồ sơ qua nghiên cứu. Từ đây lại xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng Điều 139 BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Qua các tình tiết xét thấy hành vi của H. có dấu hiệu của tội lừa đảo, cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Một luồng ý kiến khác lại bảo không đủ căn cứ để khởi tố hình sự vì tất cả quan hệ là cho vay lấy lãi. Mặt khác, việc vay, cho vay, đối chiếu công nợ giữa những người bị hại và đối tượng không thực hiện được. Quá trình giải quyết vụ việc kéo dài từ năm 2008 đến nay cũng không lấy được lời khai của H. Vụ việc xảy ra quá lâu…
Có dấu hiệu phạm tội
Quanh vụ này, luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng ý thức chiếm đoạt của H. thể hiện rất rõ qua việc H. dùng hợp đồng giả để tạo niềm tin rồi vay tiền. Khi không khả năng trả nợ, H. bỏ trốn. Chủ nợ cũng như cơ quan điều tra không thể tìm ra H. Như vậy, H. có hành vi gian dối, sau khi vay được tiền, mất khả năng thanh toán nợ rồi bỏ trốn là đã có dấu hiệu phạm tội...
Đồng tình, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng H. đã có hành vi gian dối để lấy được tiền, vàng của các nạn nhân. Việc chiếm đoạt tài sản của H. đã hoàn thành kể từ thời điểm người có tài sản giao tiền, giao vàng cho H. Còn việc H. có trả lãi hay không không làm thay đổi bản chất của hành vi phạm tội là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Bỏ trốn được xem là chiếm đoạt tiền vay Vừa qua, luật sư-ThS Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao) cũng đã có bài phân tích về vấn đề này trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 22-12 (bài “Vay tiền không trả, khi nào bị tội?”). Theo ông Quế, khi xác định người vay tiền có chiếm đoạt hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết cụ thể của từng vụ việc, mối quan hệ giữa người vay với người cho vay; mục đích, động cơ của người vay về việc sử dụng số tiền vay như thế nào... Cần phân biệt các trường hợp sau: - Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã sử dụng tiền đó vào mục đích phạm tội như buôn lậu, đánh bạc, đưa hối lộ... dẫn đến mất khả năng trả nợ thì phải coi là chiếm đoạt. - Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã dùng số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác không đúng với thỏa thuận với người cho vay (kể cả kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp) dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì cũng không coi là chiếm đoạt. Tùy trường hợp nếu hành vi sử dụng tiền vay cấu thành một tội độc lập như tội sử dụng trái phép tài sản hoặc tội cho vay lãi nặng thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng đó. - Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền dùng số tiền đó kinh doanh hợp pháp nhưng do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ thì không coi là chiếm đoạt; nếu bỏ trốn thì mới coi là chiếm đoạt. |
Lĩnh vực hoạt động
Bài viết mới
- Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Một số hình ảnh hội nghị triển khai dự án Bảo hộ và khai thác quyền Sở hữu trí tuệ để phát triển thương hiệu Du lịch quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình
- HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI DỰ ÁN
- CÔNG TY TIE NÓI GÌ
- TRANH CHẤP THƯƠNG HIỆU
- CHƯA ĐỦ CĂN CỨ KẾT TỘI
- TRỘM BÒ CỦA CHÍNH MÌNH
- TRỘM BÒ CỦA CHÍNH MÌNH
- NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ 2015
- Đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, chỉ dẫn địa lý
Khu vực thành viên
Thống kê truy cập
Đang truy cập : 30
Hôm nay : 4054
Tháng hiện tại : 17835
Tổng lượt truy cập : 3780276