Trang nhất » Tin Tức » Sở hữu trí tuệ » Tin tức - Sự kiện

CHƯA ĐỦ CĂN CỨ KẾT TỘI

Thứ sáu - 23/09/2016 05:31
Lĩnh án tù vì… trộm bò của chính mình(!?) ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Bài 2: Chưa đủ căn cứ khẳng định con bò là tài sản riêng của vợ chồng bị hại

07:07 - 22/09/2016
(PL&XH) - Bị cáo Cường góp phần lớn công sức chăn nuôi gần 1 năm trời để nâng giá trị con bò (vật chứng của vụ án) lên gần gấp đôi. Tại phiên tòa sơ thẩm, cả bị cáo và bị hại đều khai, số tiền để mua con bò giống về nuôi có một phần của bị cáo. Thế nhưng, HĐXX vẫn kết tội Cường ăn trộm bò của bố mẹ mình vì… “hồ sơ đã tròn”.
Bài 1: Bị cáo bị tuyên phạt 15 tháng tù giam vì… trộm bò của chính mình(!?)   1
Bị cáo và bị hại phản cung
Theo hồ sơ vụ án, ngày 24-3, ông Trương Văn Chiến đến CQCA trình báo về việc gia đình bị mất một con bò cái đang chửa 5 tháng. Dựa vào lời khai của vợ chồng ông Chiến, ngày 26-3, khi chưa tìm thấy vật chứng (con bò), CQCSĐT CA huyện Duy Tiên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản”. Ngày 27-3, bố bị cáo Thương dắt bò về trả cho ông Chiến và chiều cùng ngày, Cường, Thương, Huy về nhà. Sáng 28-3, ông Chiến lên CA huyện Duy Tiên thông báo đã tìm thấy bò và xin rút đơn nhưng không được chấp thuận. Sau đó, ông Chiến đã đưa Cường lên CA huyện làm việc.
Trong ngày 28-3, sau khi thành khẩn khai báo, trả lời các câu hỏi của điều tra viên, cả 3 bị cáo đều bị bắt khẩn cấp và bị tạm giữ sau đó chuyển sang tạm giam cho đến nay. Đối với Thương và Huy đã có tiền sự thì CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn trên là cần thiết.Nhưng CQCSĐT CA huyện Duy Tiên bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam đối với Cường là không cần thiết, có dấu hiệu vi phạm Điều 83, BLTTHS. Bởi lẽ, Cường có nhân thân tốt; nơi cư trú rõ ràng; vi phạm lần đầu, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; không có dấu hiệu bỏ trốn cũng như cản trở điều tra. Mặt khác, vật chứng duy nhất là con bò đã được thu hồi, Cường không có điều kiện để tiêu hủy chứng cứ. Ông Chiến đã nhiều lần làm đơn gửi tới các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hà Nam đề nghị xem việc CQCSĐT CA huyện Duy Tiên bắt khẩn cấp, khởi tố, tạm giam con trai ông.....

Thông báo hướng dẫn đơn công dân
Trong hồ sơ vụ án thể hiện, Cường đều khai con bò là do vợ chồng ông Chiến mua. Từ thời điểm bị bắt khẩn cấp đến trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, Cường không được gặp vợ chồng bị hại. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, cả bị cáo và vợ chồng bị hại đều phản cung và cho rằng nội dung bản Cáo trạng không chính xác, không đúng. 
Cường khai, Cường có bỏ một phần tiền ra để mua bò và có công sức chăm, nuôi con bò này gần 1 năm. Do muốn có tiền tiêu xài nên Cường nảy sinh ý định mang con bò của gia đình đi bán. Còn vợ chồng ông Chiến và bà Huệ khai, con bò bị mất là của con trai vì họ đã cho Cường. Chúng tôi xin trích lược nội dung xét hỏi giữa Chủ tọa phiên tòa với bị cáo Cường và vợ chồng bị hại:
Chủ tọa: Lý do vì sao bị cáo thực hiện hành vi lén lút như vậy?
Cường: Vì tôi sợ bị gia đình phát hiện ra.
Chủ tọa: Con bò là tài sản của ai?
Cường: Con bò là tài sản của gia đình tôi.

Chủ tọa: Lý do vì sao bị cáo chờ bố mẹ ngủ mới dắt bò đi?
Cường: Vì tôi sợ bị bố mẹ phát hiện ra thì sẽ không cho dắt bò đi.
Chủ tọa: Lý do vì sao bố mẹ không cho dắt bò đi?
Cường: Vì con bò là tài sản chung của gia đình.
Chủ tọa: Tải sản chung của gia đình là như thế nào?
Cường: Tải sản chung vì trong đó có một phần tiền mua bò là của bố mẹ tôi và tôi đóng góp một phần.

Chủ tọa: Ông đã nghe rõ lời khai của các bị cáo chưa? Có ý kiến gì không?
Ông Chiến: Tôi đã nghe rõ lời khai của các bị cáo và xin được bổ sung là con trai tôi không trộm cắp bò.
Chủ tọa: Đêm 23 và rạng sáng ngày 24-3 xảy ra sự việc gì? Đã trình báo như thế nào?
Ông Chiến: Đêm đó tôi thức dậy và không thấy con bò nhà mình nên trình báo về việc mất trộm bò.
Chủ tọa: Con bò đó là tài sản của ai? Mua thời điểm nào?
Ông Chiến: Con bò đó là tài sản của con trai tôi.

Chủ tọa: Theo bà con bò bị mất là của ai?
Bà Huệ: Con bò bị mất là của cháu Cường, con trai tôi.
Chủ tọa: Vì sao bà cho rằng con bò này là của Cường?
Bà Huệ: Vì khi mua con bò thì vợ chồng tôi có nói là cho cháu Cường.

HĐXX cho rằng, bị cáo và vợ chồng bị hại không đưa ra được căn cứ chứng minh nên đã bác bỏ những lời phản cung trên. Luật sư Nguyễn Văn Thắng thì cho rằng, theo quy định của pháp luật, khi phát sinh tình tiết mới liên quan đến vật chứng quan trọng nhất của vụ án thì HĐXX cần phải tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung và các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Duy Tiên buộc phải có trách nhiệm chứng minh con bò (vật chứng của  vụ án) thuộc sở hữu riêng của vợ chồng bị hại hay sở hữu chung của hộ gia đình, trong đó có bị cáo Cường.
Con bò là tài sản chung của hộ gia đình?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thắng, mấu chốt quan trọng nhất trong vụ án này là con bò thuộc quyền sở hữu riêng hay chung. Các cơ quan tố tụng ở huyện Duy Tiên mới chỉ dựa vào lời khai ban đầu của vợ chồng ông Chiến và lời khai của bị cáo Cường để khẳng định vật chứng này thuộc quyền sở hữu riêng của vợ chồng ông Chiến là chưa đủ căn cứ. Vị Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Danh lý giải:

Giá trị con bò tăng lên gần gấp đôi nhờ công sức chăn nuôi của bị cáo Cường
Thứ nhất: Các cơ quan tố tụng đã bỏ qua lời khai quan trọng của ông Chiến và ngày 28-3: “Con bò nhà tôi thường là do con trai tôi (Cường) chăn. Thi thoảng mới do tôi và vợ tôi chăn”. Trong khi đó, tháng 5/2015, gia đình ông Chiến mua con bò giống cái này với giá 13 triệu đồng và giao cho Cường chăm, nuôi cho đến khi xảy ra vụ án (ngày 23-3). Mặt khác, Cường là người đã ở tuổi lao động và đã trưởng thành. Cường có công sức chính trong việc chăn nuôi bò trong gần 1 năm, nâng giá trị con bò từ 13 triệu lên đến 25 triệu. Chính việc này đã đủ điều kiện chứng minh Cường có đóng góp thực tế hình thành lên giá trị tài sản (con bò) của ngày xảy ra vụ án. 
Thứ hai: Tại phiên tòa sơ thẩm, cả vợ chồng ông Chiến và Cường đều khai, số tiền mua con bò này phần lớn là của Cường, do trước đây Cường đi làm và đưa tiền cho bố mẹ tiết kiệm giúp. Được biết, Cường học hết lớp 9 rồi nghỉ học và đi làm cho một Cty đá quý trong KCN Hòa Mạc từ năm 2011. Cường sử dụng một phần lương để chi tiêu cá nhân, phần còn lại đưa cho bố mẹ giữ giúp mình. Mãi đến tháng 3/2015, Cường mới nghỉ việc ở công ty. Như vậy, Cường đã là người lao động trong gia đình, có thu nhập thực tế, việc Cường khai có đóng góp số tiền 8 triệu cho ông Chiến, bà Huệ để mua con bò là có cơ sở.
Thứ ba: Cường là con ruột của ông Chiến và bà Huệ; chưa lập gia đình riêng và đang sinh sống chung cùng bố mẹ. Do vậy, việc đóng góp sức lao động và tiền để tạo nên một số tài sản chung trong gia đình (cụ thể là con bò) đó là thực tế không thể chối bỏ được và phù hợp với quy định của pháp luật.
“Từ các căn cứ trên có đủ cơ sở khẳng định con bò (vật chứng của vụ án) là tài sản chung của hộ gia đình (gồm ông Chiến, bà Huệ và con trai là Trương Quốc Cường) được quy định tại Điều 108 và 109, BLDS. Mặt khác, con bò là tài sản chung hợp nhất được quy định tại Điều 217, BLDS. Tài sản chung này chưa được chia. Cơ quan tiến hành tố tụng huyện Duy Tiên chưa chứng minh được vật chứng là tài sản riêng của ông Chiến, bà Huệ. Do vậy, kết tội Cường trộm cắp tài sản của ông Chiến, bà Huệ là không có căn cứ”, Luật sư Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm và đề nghị HĐXX TAND tỉnh Hà Nam tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ quyền sở hữu đối với vật chứng duy nhất và quan trọng nhất của vụ án.
Quốc Doanh
 
 
 

Tác giả bài viết: Quốc Doanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
 

Khu vực thành viên


Thống kê truy cập


Đang truy cậpĐang truy cập : 30


Hôm nayHôm nay : 7017

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 118259

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2793932