Trang nhất » Tin Tức » Sở hữu trí tuệ » Tin tức - Sự kiện

Vụ kiện Biển Đông: Trận chiến pháp lý sẽ đi về đâu?

Thứ hai - 29/06/2015 03:10

 

 
(PetroTimes) - Trong tháng 7 tới, Tòa trọng tài Thường trực quốc tế La Haye được thành lập trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, sẽ tổ chức phiên điều trần đầu tiên về đơn kiện do Philippines khởi xướng năm 2013 về giá trị pháp lý của cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc thường lấy làm cơ sở để yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, Hội đồng Trọng tài vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía Trung Quốc về các tài liệu kiện tụng mà phía Philippines đã cung cấp cho tòa án, bất chấp đã quá thời hạn cuối mà tòa cho phép là ngày 16-6-2015. Vậy điều gì có thể xảy ra? Thẩm quyền của Tòa trọng tài Thường trực quốc tế trong vụ này là như thế nào?  
Vụ kiện của Philippines nhìn từ góc độ pháp lý
Để trả lời câu hỏi ở trên, trước hết cần nhìn lại quá trình kiện tụng của Philippines.
Cuộc khủng hoảng năm 2012 tại bãi cạn Scarborough trên thực tế đã kết thúc bằng việc Trung Quốc thôn tính bãi cạn này. Đó là nguyên nhân để ngày 22-2-2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài Thường trực quốc tế La Haye, được thành lập trên cơ sở của UNCLOS năm 1982. Philippines yêu cầu trọng tài kết luận về 3 vấn đề: Thứ nhất, việc áp dụng các “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên các vùng nước, đáy biển và tài nguyên dưới đáy biển trong ranh giới của “đường 9 đoạn” (đường chữ U, hay còn gọi là đường lưỡi bò) vượt ra ngoài khuôn khổ UNCLOS năm 1982 quy định là vô căn cứ và không hiệu lực; Thứ hai, yêu cầu về vùng đặc quyền kinh tế và ranh giới thềm lục địa quanh các đảo đá nửa chìm, rạn san hô là trái với UNCLOS năm 1982; Cuối cùng, Trung Quốc thực hiện các yêu cầu này là vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán và tự do hàng hải của Philippines.
Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc làm của Philippines, cương quyết bác bỏ đơn kiện này, cũng như từ chối hợp tác với tòa án, không công nhận quyền tài phán của tòa án được Manila gửi gắm đơn kiện. Đồng thời, Bắc Kinh tìm cách gây áp lực lên Philippines trên tất cả các phương diện từ kinh tế, chính trị đến ngoại giao hòng khiến Manila phải rút đơn kiện.
Tuy nhiên, Philippines vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng và theo yêu cầu của Manila, Tòa trọng tài gồm 5 thành viên, do thẩm phán người Ghana Thomas A.Mensah đứng đầu đã được thành lập. Quá trình xét xử thực tế đã bắt đầu và tiếp tục trong sự vắng mặt các đại diện của Trung Quốc.
Tháng 12-2014, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo cho thấy “đường chữ U” là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế và không thể phục vụ làm cơ sở cho ranh giới biển của Trung Quốc trên Biển Đông, bản thân Bắc Kinh cũng không chứng minh được “quyền lịch sử” của họ, thậm chí theo cả những chuẩn mực luật pháp thông thường trước khi có UNCLOS năm 1982, Trung Quốc đã lập tức có câu trả lời.
Trong bản tuyên cáo lập trường được công bố hôm 8-12-2014, Trung Quốc đã giải thích chi tiết trên 36 trang những lý do mà theo đó Tòa trọng tài quốc tế không có quyền tài phán xem xét đơn kiện của Philippines. Chính phủ Trung Quốc, dù tỏ ra không đoái hoài đến 4.000 trang chứng nhận và bằng chứng của Philippines, vẫn hành động để 5 thẩm phán của Tòa trọng tài quốc tế biết được sự phản đối của Chính phủ Trung Quốc chống lại thẩm quyền của họ xem xét đơn kiện này.
Bắc Kinh cũng nhắc lại tất cả sự phản đối trước đó đối với việc xem xét tranh chấp vì 3 lý do: Thứ nhất, UNCLOS năm 1982 không cho tòa án quyền tài phán để xem xét vấn đề chủ quyền, được đặt ra trong đơn kiện của Philippines. Thứ hai, Trung Quốc thực hiện “thừa hưởng chủ quyền không thể tranh cãi của mình” trên toàn bộ các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả những đảo nằm trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế Philippines. Thứ ba, Philippines đã vi phạm các thỏa thuận được ký kết song phương và đa phương trước đó, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, quy định thủ tục trọng tài bắt buộc theo UNCLOS năm 1982.
Đáng chú ý là Trung Quốc thậm chí còn không cố gắng để bảo vệ “đường chữ U” của mình. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ chứng minh Tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử.
Theo Tiến sĩ Lịch sử Grigory M.Lokshin, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm khoa học Nga, tại hội thảo về Biển Đông tổ chức mới đây ở Moskva, trong 3 luận chứng của Trung Quốc thì hai luận chứng đầu của họ là không đáng tin, bởi ngay cả Philippines cũng không yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc sửa đổi biên giới. Còn trong luận chứng thứ 3 của Trung Quốc, thì Philippines dường như bị tước đoạt quyền khởi kiện lên Tòa trọng tài quốc tế, do đã ký DOC năm 2002. Luận chứng này cũng không thuyết phục nếu xét trên quan điểm pháp lý, bởi vì như bất kỳ tuyên bố nào, DOC năm 2002 không ràng buộc pháp lý và chính Trung Quốc là bên vi phạm DOC nhiều nhất. Đó cũng chính là lý do vì sao các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế lâu nay đều thúc ép Bắc Kinh sớm thống nhất ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), có tính ràng buộc về pháp lý.
Tiến sĩ M.Lokshin cũng cho rằng, về vấn đề chủ quyền, đúng là tòa án thực sự không có quyền tài phán, nhưng tòa án hoàn toàn có thể nêu quan điểm của mình về tính chất bất hợp pháp của “đường chữ U”.
Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện được chủ quyền liên tục và không thể tranh cãi tại khu vực Biển Đông. Trong khi đó, vùng biển này là huyết mạch chính của thương mại toàn cầu, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - đó không phải là vịnh, vũng hoặc một dạng khác của các vùng nước ven biển, mà trên đó có thể phổ biến cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc sáng tác. Nói tóm lại, các yêu cầu của Trung Quốc vượt quá giới hạn, hay nói cách khác là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế hiện nay, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.
Mặt khác, UNCLOS năm 1982 được Trung Quốc ký kết và phê chuẩn chỉ cho phép áp dụng giới hạn của “sự kiện lịch sử” và các quyền phát sinh từ đó chỉ trong việc phân định lãnh hải của các quốc gia ven biển (tức là trong vòng bán kính 12 hải lý), nhưng trong đó hoàn toàn không nói gì về sự “biện minh lịch sử” yêu sách chủ quyền hay bất kỳ quyền đặc biệt nào với một khoảng cách xa đáng kể so với đường bờ biển, như trong trường hợp này.
Thêm vào đó, để biện minh cho tham vọng của họ, Trung Quốc lại áp đặt giải thích riêng của mình về lịch sử mà hoàn toàn không được hỗ trợ bởi bất kỳ bằng chứng nào trong thế kỷ XX.
Những phương án có thể xảy ra
Dù vắng mặt Trung Quốc, nhưng Tòa trọng tài Thường trực quốc tế La Haye vẫn quyết định tiến hành cuộc điều trần về vấn đề này, cũng là gián tiếp giải quyết vấn đề về thẩm quyền còn tranh cãi của mình.
Tiến sĩ Lokshin dự đoán rằng, Hội đồng Trọng tài có thể: Hoặc bỏ qua đơn kiện của Philippines hoặc đưa ra kết luận rằng, họ không có thẩm quyền để xem xét nó; Hoặc chấp nhận các yêu sách của Philippines và đưa ra quyết định có lợi cho Philipines về tất cả các vấn đề pháp lý mà nước này nêu ra. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài có thể chấp nhận các yêu sách của Philippines, nhưng đưa ra quyết định về một số vấn đề có lợi cho Trung Quốc, một số vấn đề khác có lợi cho Philippines.
Đương nhiên, đối với Philippines và các nước ASEAN, phương án thứ 2 sẽ là lựa chọn tốt hơn cả, còn phương án đầu tiên là tệ nhất, vì phương án này sẽ làm suy yếu giá trị của UNCLOS 1982 và nhìn chung, làm giảm vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp không chỉ bó hẹp ở phạm vi Biển Đông.
Bất luận phán quyết của tòa án là như thế nào thì Trung Quốc cũng cho thấy rõ, không chỉ một lần rằng, họ sẽ không thay đổi quan điểm của mình tại Biển Đông.
Trong khi số phận cuối cùng về vụ kiện chưa được định đoạt và tòa án vẫn còn đưa ra quyết định về thẩm quyền của mình, Philippines đã đạt được hai mục tiêu.
Một là, Manila đã buộc Bắc Kinh công bố quan điểm của mình. Mặc dù không buộc được Trung Quốc tham gia quá trình xét xử, nhưng bằng chính cách này, Philippines đã cho Trung Quốc thấy là họ không thể phớt lờ nó một cách dễ dàng.
Và thứ 2 là Philippines đã có thêm một tiếng nói ủng hộ từ Việt Nam, để nước này cũng có ý kiến lên tòa, mặc dù Hà Nội không tham gia quá trình kiện. Điều này được thể hiện qua việc ngày 8-12-2014, Việt Nam gửi lên Tòa trọng tài La Haye quan điểm của mình gồm 3 điểm chính: Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với đơn kiện của Philippines, đặt ra vấn đề về tính hợp lệ của “đường chữ U” và yêu cầu tòa án khi xem xét đơn kiện của Philippines cần chú ý đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Ngày 11-12-2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khi trả lời câu hỏi của báo chí đã lưu ý vấn đề sau: “Việt Nam tái khẳng định có tất cả các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền và lợi ích khác trên Biển Đông. Đó là quan điểm cứng rắn của Việt Nam và hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc sở hữu những hòn đảo này và vùng biển xung quanh, cũng như bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” nào đó đối với vùng biển, đáy biển và các nguồn tài nguyên ở dưới nó, trong phạm vi ranh giới của “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền”.
Cần phải lưu ý rằng, dù quyết định cuối cùng của Hội đồng Trọng tài là như thế nào thì cũng không nên phóng đại tác động của nó đối với diễn biến của các sự kiện tại Biển Đông. Bởi, UNCLOS 1982 không tạo ra bất kỳ cơ chế cho việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính phủ không thực hiện các quyết định của trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp tòa án ra phán quyết tiêu cực đối với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn có thể chịu thiệt hại đáng kể về hình ảnh của mình và chính sách “quyền lực mềm” của họ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng.
Mặc dù Trung Quốc có vẻ như chưa thể sẵn sàng coi Tòa án trọng tài quốc tế là giải pháp chấp nhận được để giải quyết các tranh chấp trên biển, nhưng việc “mang tiếng” là kẻ phá vỡ trật tự khu vực, không công nhận chuẩn mực của luật pháp quốc tế, cắm đầu đi ngược chiều văn minh nhân loại đối với họ cũng là điều không mong muốn.

 

Tác giả bài viết: Ngân Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
 

Khu vực thành viên


Thống kê truy cập


Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 12

Khách viếng thăm : 23


Hôm nayHôm nay : 7445

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 118687

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2794360