Trang nhất » Tin Tức » Sở hữu trí tuệ » Tin tức - Sự kiện

TRỘM BÒ CỦA CHÍNH MÌNH

Thứ sáu - 23/09/2016 05:27

Ăn trộm bò của chính mình(!?)

06:09 - 21/09/2016
(PL&XH) - Tại phiên tòa sơ thẩm, cả bị cáo và vợ chồng bị hại đều khẳng định, con bò có sự đóng góp tích cực cả về mặt tiền bạc và công sức chăn nuôi của bị cáo. Rõ ràng, con bò này là tài sản chung của hộ gia đình chứ không phải của riêng ai. Đáng nhẽ, HĐXX cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ căn cứ quan trọng nhất này của vụ án thì mới đủ căn cứ buộc tội các bị cáo.
Song, HĐXX đã bác bỏ và cho rằng trách nhiệm chứng minh tài sản sở hữu chung này thuộc về phía bị hại và bị cáo chứ không phải trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Danh, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm, theo quy định của pháp luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Duy Tiên buộc phải có trách nhiệm chứng minh con bò (là tang vật vụ án) thuộc sở hữu riêng của vợ chồng bị hại hay sở hữu chung của hộ gia đình, trong đó có bị cáo Cường, là con của vợ chồng bị hại. Chính từ việc chưa xác định được rõ ràng quyền sở hữu tang vật của vụ án dễ dẫn tới oan sai và biến thành vụ án trộm bò của chính mình. 
Qua nghiên cứu hồ sợ vụ án và xác minh thông tin, Luật sư Nguyễn Văn Thắng có đủ cơ sở để xác định, tang vật vụ án không thuộc quyền sở hữu riêng của vợ chồng bị hại mà còn có sự đóng góp tích cực của bị cáo. Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Văn Thắng còn chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, bỏ lọt tội phạm của CQCSĐT và VKSND huyện Duy Tiên trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Báo điện tử Phapluatxahoi.vn sẽ phân tích trong các bài sau. 
Vụ án trộm bò của chính mình(!?)
Theo bản án sơ thẩm số 45/2016/HSST ngày 22-6-2016 của TAND huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, do muốn có tiền tiêu xài cá nhân, Trương Quốc Cường, SN 1997 rủ và bàn bạc với Trương Anh Thương, SN 1988; Đỗ Quang Huy, SN 1997 và Nguyễn Đức Thành, SN 1998, cùng trú tại thôn Tương Thụy 4, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, cùng tham gia trộm con bò đang mang thai 5 tháng của bố mẹ mình là ông Trương Văn Chiến và bà Trần Thị Huệ mang đi bán.
Sau khi bàn bạc thống nhất, khoảng 23h ngày 23-3-2016, lợi dụng bố mẹ mình ngủ say, Cường dắt bò từ nhà ra ngã tư thôn Tượng Thụy gặp Thương, Huy, Thành đang đứng đợi và cùng nhau dắt bò mang đến bán cho vợ chồng anh Đỗ Văn Hân, SN 1981 và chị Nguyễn Thị Nga, SN 1985, cùng trú tại thôn Lệ Thủy, xã Trác Văn, lấy 17 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này nhóm của Cường sử dụng ăn chơi tiêu xài hết. Hội đồng định giá tài sản huyện Duy Tiên định giá con bò cái nặng 250kg và đang mang thai 5 tháng, là tang vật vụ án có giá trị 25 triệu đồng. 

Con bò, tang vật trong vụ án có sự góp sức tích cực của bị cáo Cường
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 22-6 tại TAND huyện Duy Tiên do Thẩm phán Trần Ngọc Thuận làm Chủ tọa, bị cáo Trương Quốc Cường cho rằng mình có đóng góp một phần tiền mua con bò, ngoài ra các bị cáo khác thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi của mình đã thực hiện. Người bị hại là ông Trương Văn Chiến và bà Trần Thị Huệ khai con bò đã cho con trai mình là Trương Quốc Cường. Kết hợp lời khai của những người tham gia tố tụng khác cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX tuyên bố các bị cáo Cường, Thương, Huy và Thành phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138, BLHS. HĐXX tuyên phạt bị cáo Cường 15 tháng tù; bị cáo Thương và bị cáo Huy 8 tháng tù, còn bị cáo Thành bị tuyên phạt 7 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Cường và một bị cáo khác có đơn kháng cáo, còn bị hại không làm đơn kháng cáo do… thiếu hiểu biết pháp luật.
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Duy Tiên, vào khoảng giữa tháng 3-2016, khi đang chăn bò, Cường nói với Thương “Bây giờ bán con bò nhà em đi, anh em mình đi chơi một tháng”. Thương nói “Ừ, bán bò thì dễ chứ gì”. Cường nói “Anh xem có biết chỗ nào mua không thì bán”. Thương nói “Chỗ mua bò thiếu gì, thằng trên Lỗ Hà, cả thằng trong xóm cũng có”. Sau đó Cường gặp Thành và rủ Thành đi chơi sau khi bán được bò.
Cách xử lý bất thường của CA huyện Duy Tiên
Nghiên cứu bản án số 45/2016/HSST của TAND huyện Duy Tiên, PV báo điện tử phapluatxahoi.vn phát hiện cách xử lý bất thường của CA huyện Duy Tiên liên quan đến việc xử lý hành vi mua, cất giữ, sử dụng trái phép chất ma túy của bị cáo Trương Anh Thương. Bị cáo Thương có tới 5 tiền sự liên quan đến ma túy. Mặc dù bị cáo Thương chưa chấp hành xong vi phạm hành chính nhưng CA huyện Duy Tiên lại ban hành tới 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ với hình thức “Cảnh cáo” vào các ngày 31/7/2014; 15/10/2014; 30/1/2015; 14/3/2015 và ngày 10/4/2015. Việc liên tiếp xử phạt vi phạm hành chính này của CA huyện Duy Tiên có dấu hiệu trái quy định của pháp luật. Báo điện tử phapluatxahoi.vn đề nghị CA tỉnh Hà Nam vào cuộc làm rõ để chúng tôi tiếp tục thông tin tới độc giả.
Trưa ngày 22-3, khi đang chăn bò, Cường gặp Thương và Huy. Cường hỏi Thương “Anh biết chỗ nào bán được bò không”. Do biết anh Đỗ Văn Hân có nhu cầu mua bò về nuôi nên Thương nói “Bò thì bán ở đâu chẳng được, ông Hân ở Lệ Thủy đang muốn mua bò đấy”. Cường nói “Anh xem ông Hân có mua không thì em bán”. Thấy Cường còn trẻ con nên Thương nói “Nhưng sợ mày còn bé, ông ấy không mua đâu”. Tiếp đó, Huy nói “Sợ gì, cứ bảo là bò của vợ chồng cháu”. Cường và Thương đồng ý để cho Huy giả vờ nhận bò của Huy.
Khoảng 15h cùng ngày, Thương gọi điện cho anh Hân nói “Anh có mua bò không, ở trên này có thằng Huy bảo bán bò đấy”. Anh Hân trả lời “Có, để xem bò thế nào đã”. Sau đó, Thương và Huy đi xe máy xuống nhà anh Hân uống nước và thảo thuận về việc mua bán bò… Chiều và tối ngày 23-3, Cường, Thương, Huy, Thành gặp nhau bàn bạc về việc bán con bò cho anh Hân.
Người mua tang vật vụ án trong đêm thoát tội
Đến khoảng hơn 23h ngày 23-3, Cường dắt con bò ra khỏi nhà và cùng Thương, Huy và Thành đem đi bán cho anh Hân. Tới gần nhà anh Hân, Thương gọi điện cho anh Hân nói “Anh ngủ chưa, anh xem thế nào, thằng Huy nó đang dắt bò xuống nhà anh đấy”. Anh Hân hỏi “Sao dắt xuống muộn thế” thì Thương trả lời “Chắc nó vừa đi đám cưới về”. Sau đó, Cường và Thành đứng ngoài đợi, còn Thương và Huy dắt bò vào nhà anh Hân.

Ông Trương Văn Chiến khẳng định đã cho con bò cho con trai
Cuộc ngã giá giữa hai bên diễn ra ngay trong đêm 23-3. Huy đồng ý bán con bò cho vợ chồng anh Hân với giá 17 triệu đồng. Ban đầu, anh Hân nói trả trước 1 triệu nhưng Huy đòi 2 triệu. Sau khi gọi vợ là chị Nguyễn Thị Nga dậy xem bò và thống nhất trả trước cho Huy 2 triệu, còn số tiền 15 triệu sẽ trả vào ngày hôm sau. Rạng sáng ngày 24-3, ông Chiến phát hiện con bò của gia đình mình bị mất trộm và thông báo cho CQCA. 
Theo Kết luận điều tra của CA huyện Duy Tiên, mãi đến sáng ngày 26-3, chị Nguyễn Thị Nga đi chợ và biết tin nhà ông Chiến mất bò. Chị Nga về nhà kể lại cho anh Hân. Đêm 26-3, anh Hân gọi điện cho mẹ đẻ của Thương và bố đẻ của Huy đến nhà nói chuyện về việc giao dịch mua bán con bò này. Bố mẹ của hai bị can xin anh Hân cho dắt con bò về trả cho ông Chiến và hứa sẽ có trách nhiệm với số tiền anh Hân đã đưa cho Huy và Thương. Sáng 27-3, bố của Huy đến nhà anh Hân dắt con bò về trả lại cho ông Chiến. Đến trưa cùng ngày, Huy, Cường và Thương về nhà trước, còn Thành về sau. Sau đó, gia đình đã đưa 4 người lên CQCA làm việc.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 26-3, CQCSĐT CA huyện Duy Tiên tiến hành khởi tố vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản”. Ngày 28-3, CQĐT tiến hành bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự và chuyển sang tạm giam vào ngày 6-4 đối với Cường, Thương và Huy. Còn Thành được cho tại ngoại. Thương có tới 5 tiền sự và Huy có 1 tiền sự liên quan đến ma túy, bị CQĐT áp dụng biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam là đúng quy định nhưng lại được hưởng mức án nhẹ (8 tháng tù giam). Còn Cường có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng vẫn bị bắt tạm giam và bị HĐXX huyện Duy Tiên tuyên phạt với mức án cao nhất (15 tháng tù giam).
Bỏ lọt tội phạm?
Luật sư Nguyễn Văn Thắng cho biết, nếu việc truy tố, xử lý 4 bị cáo trên là đúng quy định của pháp luật thì các cơ quan tố tụng ở huyện Duy Tiên có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bời lẽ, hành vi của vợ chồng anh Hân và chị Nga có dấu hiệu cấu thành tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Luật sư Nguyễn Văn Thắng đưa ra những luận cứ thể hiện sự bất thường:
Thứ nhất: Thông thường, người ở vùng nông thôn trước khi muốn mua con bò về nuôi thì họ phải thăm nom, xem xét rất kỹ lưỡng rồi mới quyết định mua hay không. Trong vụ việc này, anh Hân mới chỉ nghe Thương nói có người muốn bán con bò. Sau đó, 23h đêm, có người dắt bò đến buộc vào gốc cây, anh Hân ngó nghiêng một chút rồi đồng ý mua luôn. 

Bản trích ngang lý lịch của bị cáo Thương phơi trần cách xử lý bất thường của CA huyện Duy Tiên
Thứ hai: Ban đêm, anh Hân có xác định được con bò có chửa hay không mà quyết định mua vào giữa đêm và mua với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Mặt khác, vợ chồng anh Hân đã chuẩn bị tiền từ trước để mua bò, nhưng đêm hôm đó lại mặc cả đưa trước cho Huy 1 triệu đồng. Khi Huy năn nỉ thì vợ chồng anh Hân đưa cho Huy được 2 triệu đồng.
Thứ ba: Trong hồ sơ vụ án thể hiện, là người cùng xã, anh Hân biết rất rõ về Thương từ nhiều năm trước, lại có quan hệ họ hàng. Chẳng lẽ anh Hân lại không biết việc Thương sử dụng ma túy, có nhu cầu sử dụng tiền cao? Phải chăng, khi biết nhân thân của Thương và việc Thương cùng Huy mang con bò đi bán giữa đêm khuya nên vợ chồng anh Hân mới có cuộc ngã giá và mua con bò với giá rẻ như vậy? Nếu vợ chồng anh Hân không thỏa thuận từ trước và không mua con bò này vào giữa đêm khuya thì vụ án trên đã không xảy ra?
Thứ tư: Chị Nga, vợ của anh Hân cũng tham gia vào việc mua bán tang vật của vụ án vào đêm 23-3. Sáng 26-3, chị Nga biết việc nhà ông Chiến bị mất bò rồi về thông báo với anh Hân. Lúc này, vợ chồng anh Hân đã biết rõ việc con bò đã mua là tang vật của vụ án, CQCA đang truy tìm. Đáng nhẽ, vợ chồng anh Hân phải tới CQCA để trình báo về vụ việc. Nhưng trong vụ việc này, mãi đến khoảng gần 24h ngày 26-3, anh Hân mới gọi điện cho bố mẹ của Thương và Huy đến nói chuyện mà không trình báo tới CQCA. 
“Thế nhưng trong Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm số 45/2-16/HSST của TAND huyện Duy Tiên lại không hề nhắc tới vai trò của chị Nga. Các cơ quan tố tụng huyện Duy Tiên chỉ dựa vào lời khai để xác định anh Hân không phạm tội là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Chính vì vậy, tôi đề nghị HĐXX theo trình tự phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Nam trong phiên tòa sắp diễn ra (dự kiến vào chiều ngày 22-9) tuyên hủy án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và xác định quyền sở hữu đối với tang vật vụ án của bị cáo Cường”, Luật sư Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Bài 2: Chưa đủ căn cứ khẳng định con bò là tài sản riêng của vợ chồng bị hại
Quốc Doanh
 

 

Tác giả bài viết: Quố Doanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
 

Khu vực thành viên


Thống kê truy cập


Đang truy cậpĐang truy cập : 25


Hôm nayHôm nay : 6224

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 117466

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2793139